Ukiyo-e – hình bóng của một thế giới phù du

Nghệ thuật khắc gỗ ukiyo-e bắt nguồn từ Edo dưới sự thống trị của Mạc phủ Tokugawa, một thời kỳ mà nước Nhật có thể nói là tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cái tên Ukiyo-e bắt nguồn từ Ukiyo, với chữ uki nghĩa là “ưu” trong Phật giáo đã chuyển thành chữ uki nghĩa là “phù”. Đó là một thế giới nơi mà con người chỉ quan tâm đến những thú vui hưởng lạc, thả trôi theo dòng đời. Ukiyo-e, đúng với cái tên của nó, là một hình thức nghệ thuật gắn liền với sự hưởng thụ, lấy đề tài là nhà hát, quán ăn, phòng trà, với nhân vật chính là các diễn viên và kỹ nữ. Nhiều tác phẩm của các hoạ sĩ như Utamaro và Sharaku trên thực tế là những tấm hình quảng cáo cho các màn diễn mới ở nhà hát, hoặc chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng, các geisha được yêu thích…
Trong suốt nửa sau thế kỷ 17, hình thức hội hoạ này trở nên cực kỳ phổ biến ở trung tâm Edo, bắt đầu từ những tác phẩm đơn sắc sumizuri-e của Hishikawa Moronobu vào thập kỷ 70. Đầu tiên người ta dùng mực Ấn đô, sau đó dùng bút lông tô màu lên theo phương pháp thủ công. Mãi cho đến thế kỷ 18, Suzuki Harunobu mới phát triển phương pháp để tạo ra nishiki-e, tranh khắc gỗ màu.
Một bản in ukiyo-e để hoàn thành phải trải qua khá nhiều công đoạn. Theo phương pháp truyền thống thì cần ít nhất ba người để hoàn thành một tác phẩm. Đầu tiên, người hoạ sĩ phải vẽ một bản gốc bằng mực đen (sumisen). Người ta dựa vào đó tạo ra bản hanshita. Bản này sau đó sẽ được thợ khắc horishi dán sấp vào một phiến gỗ và cắt bỏ những phần trắng, để lại bức hoạ ngược trên phiến gỗ gọi là sumiita. Nó dùng để in những đường viền đen. Bản đầu tiên gọi là kyogo-zuri sẽ được đưa cho hoạ sĩ để kiểm tra lại lần cuối và hoàn thiện bản khắc. Nếu là tranh đen trắng thì đến đây có thể coi là hoàn thành. Còn nếu là tranh màu thì công việc mới chỉ bắt đầu. Những tấm iroita được tạo ra dựa trên bản khắc gỗ này, mỗi tấm sử dụng cho một mảng màu của tranh. Surishi tô màu lên những miếng gỗ dưới sự giám sát chỉ đạo của hoạ sĩ trước khi chúng được đưa vào sử dụng. Nguyên tắc in màu là đi từ màu sáng đến các màu tối hơn và từ những hoạ tiết nhỏ đến các hoạ tiết lớn.
Cuộc sống đầy lạc thú và những khu nhà hát ở Edo cung cấp cho các hoạ sĩ Ukiyo-e một mảnh đất màu mỡ với các đề tài là geisha và nghệ sĩ kabuki. Bijin-ga ra đời, ghi lại hình ảnh những người phụ nữ được coi là biểu trưng của cái đẹp. Người ta thấy trong đó những nghệ sĩ, kỹ nữ, và cả những nhân vật hư cấu trong các tác phẩm văn học.
Dọc các đường phố Edo, chúng ta bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ kabuki nổi tiếng trong Yakusha-e. Đối lập với phong cách khá nhẹ nhàng ở Kyoto và Osaka, các nghệ sĩ kabuki ở Edo được biết đến với dòng kịch aragoto đầy kịch tính. Những hình minh hoạ quảng cáo do đó thường tập trung vào các cảnh cao trào trong các vở kịch.


Hokusai (1837)
Không chỉ dừng lại ở nhà hát và những thú vui hưởng lạc, ukiyo-e vẫn ít nhiều mang dáng dấp của tình yêu thiên nhiên trong hội hoạ truyền thống, với các tên tuổi tiêu biểu là Hokusai và Hiroshige. Vẻ đẹp thiên nhiên được ghi lại qua hình ảnh núi Fuji, biển, cây cối, chim muông… Tranh phong cảnh thời kỳ này có một mối liên kết khá gần gũi với văn học và thi ca cổ điển Nhật Bản. Điều này được thấy rõ nhất qua surimono, những bản in riêng số lượng nhỏ được làm để tưởng niệm những sự kiện đặc biệt và đem tặng như vật lưu niệm. Chúng gắn liền những bài thơ với những hình ảnh đặc biệt mang nhiều tầng nghĩa, hướng tới đối tượng có học thức.
