Shirakawa-go

Sau chừng 6 giờ xe buýt tốc hành Nohibus từ Shinjuku (Tokyo) tôi lạc vào
xứ nhà quê ở giữa đảo Honshu. Trời càng đi lên càng xanh, núi càng
nhiều tuyết, sáu tiếng mà không ngủ được. Shirakawago là tên gọi chung
cho nhóm mấy làng cổ (Ogimachi, Gokayama), trải dọc theo thung lũng sông
Shogawa, dưới chân núi Haku (cách Takayama chừng 45’ xe buýt). Cuộc
sống nơi đây còn lưu giữ được nhiều điều như 300 năm trước. Dân làng vẫn
sống trong những ngôi nhà gỗ truyền thống còn gọi là Gassho-zukuri (như
đôi bàn tay chắp lại khi khấn vái theo đạo Phật). Hình thức kiến trúc
mái, phân chia không gian trong nhà tương tự như nhiều vùng nông thôn ở
Châu Âu xưa. Mái dốc để ngôi nhà chịu được lớp tuyết dày mùa đông, đồng
thời tạo gác xép để làm kho nông sản, chỗ nuôi tằm… Mái lợp bằng cỏ
tranh sẵn có ở vùng này. Xung quanh nhà vẫn còn những mảnh ruộng phân
chia bằng bờ đất (chứ không phải ruộng bê tông ở dưới xuôi). Người ta
dẫn nước từ trên núi vào ruộng bằng hệ thống mương, thậm chí vẫn còn
thấy cả mấy cọn nước nhỏ. Trẻ con vẫn chơi "paper, rock, scissors"). Một
số ngôi nhà cổ ở Ogimachi đã được dùng làm nhà trọ gia đình (minshuku)…
Tôi đã qua đêm ở một ngôi nhà như vậy. Ông bà chủ nhà tên Shimizu dành
cho tôi một phòng riêng, có thư viện rất nhiều album ảnh ngày xưa. Tôi
bảo bây giờ quê ông bà nổi tiếng rồi (Di sản Văn hoá Thế giới), khách
đến nhiều, tiền cũng nhiều, ông bà có thích không. Bà Shimizu bật ngay,
“tôi bây giờ chả dám ra đường ban ngày, có khi ở trong bếp còn có người
vào ngó”. Buổi tối, khi hầu hết du khách đã quay về Takayama, lang thang
trong làng đêm sáng trăng, ngắm những khung cửa sáng ánh đèn, nghe
tiếng côn trùng kêu… thấy thật gần gũi (mấy đời nhà tôi đều là nông dân
mà). Bàn ăn xếp quanh bếp, trên bếp có con cá gỗ.














Sưu Tầm
Xem thêm bài viết liên quan