Lễ hội “7-5-3”

Tại Nhật Bản, ngày 15/11 hàng năm được ưu ái dành cho trẻ em với tên gọi “Shichi – Go – San”, nghĩa là “7-5-3”. Một lễ hội có cái tên thật kỳ lạ, bản thân tên gọi của nó cũng nói lên ý nghĩa của ngày lễ này.



“Shichi – Go – San” lần đầu tiên được tổ chức vào thời đại Heian (794-1185) (thời của anh Sai trong Hikaru no Go đấy ^^), vốn là một ngày mà các vị quan của thời đại này tổ chức kỷ niệm cho con em trong gia đình mình khi họ đến độ tuổi thiếu niên. Sau đó vào thời Kamakura (1185-1333) ngày 15/11 mới được chọn làm ngày chính thức cho lễ kỷ niệm này, vì ý nghĩa thịnh vượng và may mắn của nó.

Vào thời Kamakura, tầng lớp samurai rất được trọng vọng, những đứa trẻ dưới 3 tuổi (cả bé trai lẫn bé gái) đều phải cạo đầu. Khi ngày “7 – 5 – 3” đến, các em có thể nuôi tóc dài trở lại. Cũng trong ngày này, các bé trai 5 tuổi sẽ lần đầu tiên được mặc hakama, bé gái 7 tuổi có thể xúng xính trong trang phục kimono thắt đai obi (chứ không chỉ là dây lưng đơn giản như trước).

Áo của ai đẹp hơn nhỉ?
Xem bọn tớ có oai không?

Ngày nay trang phục phổ biến vẫn là kimono và hakama; với bé gái thì ngoài obi sẽ có thêm hifu – lớp đệm bên trong áo. Có đôi lúc người ta bắt gặp các cặp bố mẹ và con cái trong trang phục hiện đại kiểu phương Tây, nhưng con số này không nhiều. Bên cạnh đó, một số ý nghĩa cũng được thay đổi. Ý nghĩa bỏ tập tục cạo đầu được thay bằng việc chụp ảnh. Vào ngày này, người ta chụp rất nhiều ảnh trẻ em và có hẳn những triển lãm ảnh lớn lưu giữ hàng nghìn bức ảnh của các em.

Ảnh chụp được lồng trong khung “tự chế”
Triển lãm ảnh “7-5-3”
Không chỉ đi tới các điện thờ/miếu thờ thần đạo Shinto, các gia đình còn mua cho con em mình những chiếc kẹo Chitoseame, có nghĩa là “kẹo trường thọ”. Kẹo này thường dài, mỏng và có 2 màu trắng, đỏ, tượng trưng cho sức khỏe và cuộc sống bền lâu. Các bé thường được nhận kẹo Chitoseame trong những túi có hình sếu và rùa, hai biểu tượng linh thiêng của người Nhật Bản nói riêng và nền văn hóa phương Đông nói chung.
