Du học và những lời khuyên hữu ích
Tuy nhiên, các du học sinh cũng nên lưu ý điểm này: nếu chỉ giao tiếp với đồng hương thì ở khía cạnh nào đó mình đã tự mình bỏ lỡ cơ hội quý hiếm là hội nhập, tìm hiểu thêm các nền văn hóa khác nhau, đồng thời mở rộng tầm mắt ra ngoài được nhiều hơn.
Hiện tại, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam chủ động tham gia vào những hoạt động chung của trường, và những hoạt động dành cho sinh viên quốc tế. Thận trọng trước sự tự do: Khi đến học ở một nước nào đó, bạn đã tham gia vào một nền văn hoá mới rất năng động, đa dạng. Cơ hội để quen biết, để tìm hiểu có rất nhiều, đặc biệt khi sinh viên sống trong ký túc xá hoặc là thành viên của một câu lạc bộ hoặc nhóm bạn đó. Tuy thế, mục đích tối hậu của việc du học là học chứ không phải vui chơi. Trong khi đó, vì xa gia đình vì thấy được tự do hoàn toàn làm theo ý mình, không còn cha mẹ làng xóm kềm giữ và vì ham vui… nhiều bạn trẻ đã xao lãng chuyện học hành, thậm chí cắt đứt hẳn con đường học vấn. Đến nỗi, có một số người sau nhiều năm ở nước ngoài, bằng cấp đâu chẳng thấy, chỉ thấy lấy được cái bằng lái xe hoặc một số bằng có thể nói là vớ vẩn nào đó không thực dụng mà cũng chẳng thực tế cho bản thân và xã hội.Những hoạt động văn hoá vừa là cách giới thiệu nét văn hoá dân tộc vừa là cơ hội giao lưu
Làm quen phương pháp học mới: Ở đa số nền giáo dục nước ngoài, SV được khuyến khích ra câu hỏi và đưa ra ý kiến riêng của mình. Việc tham gia ý kiến thể hiện việc bạn chú ý nghe giảng, thích thú với bài giảng… Đây là điều gây bỡ ngỡ đối với nhiều du học sinh Việt, vốn quen với truyền thống ”giáo viên nói và sinh viên chỉ nghe”.
Điểm khác biệt nhất là mỗi môn đều yêu cầu sinh viên làm đề tài và thuyết trình trước lớp. Ngoài ra, việc được học bằng sách và những tài liệu có sẵn tiết kiệm rất nhiều thời gian của SV khi không phải cặm cụi ghi bài mà thời gian đó được dành để nghe giảng, đặt và trả lời câu hỏi, và thảo luận.
Việc làm đề tài thực sự rất có ích trong việc áp dụng những kiến thức được học và cũng giúp có thêm kinh nghiệm thực tế.
Nhìn chung, những gì là biểu hiện của sự thành công trong học tập trong nền giáo dục Việt Nam có thể sẽ không đảm bảo cho sự thành công của bạn khi học tại nước ngoài. Cho nên hãy quan sát những bạn học người địa phương và làm theo họ.
Chuẩn bị tinh thần đối mặt với những khó khăn: Một trong những nhu cầu căn bản của con người là được quan tâm, chăm sóc. Đối với du học sinh, đặc biệt là người mới đi du học, sẽ có rất nhiều lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Đây cũng đồng thời cũng là thời gian dễ mất định hướng.
Những lúc ấy, đòi hỏi sinh viên cần bản lĩnh. Các bạn bè đồng hương, mối quan hệ với những người xung quanh sẽ là bệ đỡ tinh thần. Qua thời gian học tập nơi xứ người, ngoài kiến thức, các sinh viên Việt Nam sẽ học được thêm nhiều, từ việc tự lo mọi việc, đến việc làm chủ bản thân và tự quyết, và cả những giao tiếp ngoài xã hội khác. Và chắc chắn rằng, những kinh nghiệm ấy sẽ làm đầy hành trang khi về lại quê hương hơn gấp nhiều lần so với khi ra đi.