Đi
du học, chuyện "share" chung nhà là chuyện hiển nhiên không có gì đáng
nói, nhưng trong cái "share" ấy, nhiều teen khổ sở vì nhiều rắc rối xảy
ra. Đã có những lúc teen phải khóc thét lên, vì không chịu nổi cảnh
"chung đụng vô lí".
Khổ vì chuyện share.
Khi còn ở nhà, sống dưới mái ấm của ba mẹ, teen
chẳng bao giờ phải lo lắng hay bận tâm khi tất cả mọi đồ dùng trong nhà
đều là của chung. Nhưng khi phải xa nhà, teen mệt mỏi khi thấy “bạn
mình” chỉ biết “dùng” mà không bao giờ biết chia sẻ.
Sống chung đầu tiên là phải kể đến khoản "share"
tiền nhà, vì đó là thủ tục đầu tiên để bắt đầu mọi thứ. Có rất nhiều
chuyện bi hài xoay xung quanh chuyện "share" tiền nhà ở, tiền phòng.
Như trường hợp của Mỹ Loan, 16t, khi lần đầu tiên bỡ ngỡ sang Singapore
du học, cô nàng đã phải chịu rất nhiều khúc mắc bao quanh chuyện tìm
nhà. Do đến chốn lạ, bạn bè chẳng có, lại chưa có kinh nghiệm đi tìm
nhà, Loan phải khổ sở “xin” được share chung nhà với 2 chị khác, lớn
hơn 2 tuổi.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi chuyện “share”
được rõ ràng và minh bạch. Nhưng biết em nhỏ đang khổ sở vì không tìm
được nhà, hai chị tìm cách phân chia nhà một cách bất hợp lí. Gian nhà,
với 2 phòng ngủ (một lớn, một nhỏ) được chia làm ba. Một phòng thì rộng
thênh thang với toilet nằm trong phòng, một phòng thì bé tí tẹo, chỉ đủ
đặt 1 cái giường đơn và rất vất vả nếu muốn có thêm một cái bàn học.
Thế mà Loan vẫn phải cố chen vào, mà cái gì chỉ có hai, muốn chia
thành ba mà chẳng vất vả? Hai chị ở chung trong phòng lớn, còn căn
phòng bé tí tẹo thì được dành cho Loan, nhưng tiền nhà vẫn phải chia
đôi. Loan một nửa, hai chị một nửa vì “mỗi người một phòng thì mỗi
người một nửa". Nghe thì tưởng chừng hợp lí nhưng khi nhìn thấy căn
phòng nhỏ chỉ bằng 1/3 phòng kia thì không mấy người “phẫn nộ” vì tội
nghiệp cho Loan bị áp bức quá.
Các du học sinh hay gặp rắc rối xung quanh cuộc sống chung nhà. (Ảnh minh họa)
Cũng như Loan, nhiều trường hợp "share" chung nhà
của teen phải chịu rất nhiều áp lực mà không dám nói ra, dù có bất công
như thế nào nhưng vẫn phải chịu vì đang ở thế bí. Mà nếu chỉ riêng
chuyện “share” tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền net… không đồng đều
thì còn “đỡ”. Nhiều teen gặp vất vả khi phải "share" thêm rất nhiều
những khoản phụ thu vô lí như: share tiền chợ, tiền ăn, dù không ăn ở
nhà một bữa nào, share tiền sinh nhật của cả nhà, share tiền quỹ, share
tiền trang trí nhà nếu nhà có tiệc tùng (dù không tham gia), hay share
tiền mua vật dụng mới, nếu chẳng may người sống cùng nhà đã làm hư cái
cũ.
Đó là chỉ nói đến những khổ ải của những teen phải
vất vả “share” chung nhà với “bạn”. Chưa kể đến những trường hợp, teen
phải xin ở “Host” , tức xin đến ở với một gia đình bản xứ hoàn toàn xa
lạ. Ngoài những khoản "share" bất hợp lí, teen khổ sở vì những phong
tục và những khoản “yêu cầu chi” không rõ lí do. Nhưng trường hợp của
Ngọc Trân, 17t – du học Mỹ. Ai cũng tưởng một tiểu thư như Trân thì lúc
nào cũng được sống sung sướng. Nhưng mấy ai hiểu và biết được, từ ngày
đi du học, Trân phải chịu biết bao nhiêu ấm ức?
Cùng sống chung nhà, nhưng Trân được đối xử khác
hẳn, dù mỗi tháng Trân vẫn đóng đầy đủ tiền theo hợp đồng ban đầu. Ngay
cả việc ăn, Trân cũng được ăn riêng dù tháng nào cũng đóng tiền ăn đầy
đủ. Ngoài chuyện tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt phải đóng mà không
được dùng, Trân còn khóc không biết bao nhiêu lần vì phải khổ sở mỗi
sáng để được “đi chung xe” với gia đình "Host". Mặc dù mỗi tháng gia
đình Trân có gửi thêm “bồi dưỡng” những mong Trân được chăm sóc tốt.
Nhưng Trân lúc nào cũng cứ như phải “cầu cạnh” để được “xin” chở đi
học, và không biết bao nhiêu lần họ quên không đón, để Trân đứng dưới
trời đầy tuyết nhiều giờ đồng hồ.
Khổ vì không thể “riêng”
Ngoài khổ sở vì những khoản “share” mà không được
dùng, teen du học còn “đủ thứ khổ” vì phải dùng chung quá nhiều và
không có không gian riêng.
Như trường hợp của Loan ở trên. Vì muốn tiết kiệm
tiền để mua sách vở và tiết kiệm chi phí cho gia đình. Loan đa phần mua
rất nhiều mì gói, đồ hộp, bánh trái sẵn từ quê nhà sang để tiết kiệm.
Thậm chí do sợ không mang hết được, Loan chỉ mang có vài bộ quần áo đủ
mặc đi học và sách vở, còn bao nhiêu Loan dồn vào mua đồ hộp, dầu gọi,
dầu ăn….để tiết kiệm chi phí ăn ngoài. Thế mà số đồ ăn dự trữ trong 3
tháng học của Loan chưa đầy 1 tháng đã bay vèo vì có sự trợ giúp của 2
thành viên cùng nhà nữa. Không chỉ tự tiện dùng mà không hỏi ý, thậm
chí họ còn phung phí dùm để cho mau hết.
Nhiều lúc Loan giận đến phát khóc khi thấy người
khác tự tiện lục lọi đồ của mình, dùng đồ của mình không xin phép và
còn “làm hư” mà chẳng có tiếng xin lỗi nào. Đó là chưa kể đến những
lần hai chị đi chơi, giữ chìa khóa mà quên mất Loan, để Loan phải ngồi
“vạ vật” trước cửa đến mệt nhoài.
Ai cũng tưởng đi du học là sung sướng, nhưng đâu
ai biết được rằng khi bước qua một phương trời khác là đủ thứ lo lắng
bộn bề, lâu lâu muốn tìm chút không gian yên tĩnh một mình cũng khó như
bắc thang lên trời vậy. Nói tiếp về câu chuyện của Ngọc Trân, không chỉ
chịu đựng những khổ ai như vậy, Trân được sống chung trong nhà nhưng
hầu như chưa bao giờ có chút không gian nào cho bản thân. Nhiều khi
Trân chỉ muốn được yên tĩnh, ngồi nghe một bản nhạc rồi ngủ thiếp đi.
Nhưng gia đình chủ nhà cứ đi ra đi vào “như canh gác”. Thậm chí buổi
tối, muốn trò chuyện với bạn hay nói chuyện tâm sự với mẹ, Trân phải ra
ngoài cửa để nói chuyện vì sợ làm ồn.
Phòng riêng của Trân như phòng chung của cả nhà,
ai muốn ra thì ra, vào thì vào, thậm chí đồ đạc của gia đình chủ nhà
được vứt lổm ngổm trong phòng, chẳng khác gì phòng để đồ dụng cụ. Đó là
chưa kể đến việc mặc dù tháng nào cũng đóng thêm tiền điện, tiền net,
tiềm sinh hoạt cho chủ nhà, nhưng lúc nào Trân cũng phải nghe than
phiền về chuyện tiền bạc. Đi học cả ngày, muốn được lên mạng buổi tối
để tìm tài liệu bài hay giải trí một chút, nhưng cũng bị “complain”
rằng: “Phải đi ngủ sớm, không ảnh hưởng đến người khác và làm tốn thêm
tiền điện và tiền net”. Chưa kể đến việc ngày nào Trân cũng phải làm
việc nhà sau khi đi học về. Cả gia đình ăn uống xong, Trân một mình thả
sức dọn dẹp và rửa chén đĩa. Không chỉ phòng của mình, Trân phải lau
chùi cả nhà tắm của gia đình, phòng bếp, nhà xe….có nhiều nơi Trân
chẳng hề một lần sử dụng…Nhiều lúc mệt mỏi, muốn khóc, và khóc, nhưng
thậm chí khóc cũng không dám thành tiếng vì “sợ ồn ,sợ làm phiền và sợ
đủ thứ ”…
Vẫn còn nhiều nỗi khổ
Ngoài những nỗi khổ về tinh thần, teen du học còn
chịu bao nhiêu ấm ức bao quanh cuộc sống “chung đụng” mà có lẽ dành cả
ngày để nói cũng chưa nói hết được. Nhìn những căn nhà to rộng, có vườn
và bể bơi san sát. Nhiều người thầm mơ ước rằng mình một lần sẽ được
đến sống ở đó. Thế nhưng mấy ai hiểu và biết đến những nỗi khổ thực sự
tồn tại quanh một cuộc sống tưởng chừng sung sướng ấy?
Nếu bạn là một "nạn nhân" của cuộc sống chung đụng
đầy mệt mỏi ấy, hãy tìm ngay cho mình một hướng giải quyết từ gia đình
và người thân, teen nhé. Tham khảo thêm sự trợ giúp từ bạn bè để có
nhiều phương hướng giải quyết. Đừng tự chấp nhận với hoàn cảnh để rơi
vào tình trạng bế tắc hay mệt nhoài với cuộc sống chung. Đi du học,
điều quan trọng nhất là cần có một điều kiện tốt để có thể học tập hết
mình.