Người Nhật và truyền thuyết về công chúa ánh trăng (P2)



Tiếc nhớ khôn nguôi nàng công chúa kỳ lạ, nhà vua không uống viên thuốc mà quyết định ra lệnh cho một nhóm quân sĩ mang tới đỉnh núi Suruga (tên gọi trước đây của tỉnh Shizuoka ngày nay) – đỉnh núi cao nhất Nhật bản – là nơi tiếp giáp gần nhất giữa Trái đất và mặt trăng để đốt cả viên thuốc và bức thư nhà vua viết gửi tới công chúa ống tre (với hy vọng bức thư có thể tới được tay nàng). Từ chỉ sự bất tử trong tiếng Nhật, “不死”, phiên âm là “fushi” hoặc “fuji” (Phú Sĩ) đã trở thành tên gọi của ngọn núi ngày nay. Cho đến bây giờ vẫn có người nhìn thấy khói bốc lên từ đỉnh núi từ việc đốt lá thư và di vật của công chúa ống trúc – Kaguya Hime.


Trong hầu hết các dị bản của Kaguya Hime, đa phần các dị bản không đề cập tới tên các nhân vật chính, tuy nhiên ở một số dị bản, người ta tìm thấy tên của ông lão đã nhặt được nàng là Taketori-no Okina, và nơi nàng sống trên mặt trăng được gọi là Tsuki-no Miyako, có nghĩa là thủ đô mặt trăng. Về lí do nàng được gửi tạm xuống trái đất, một số dị bản lí giải rằng nàng phạm một tội nào đó và bị đày xuống trần gian, trong khi một số khác cho rằng nàng ghé xuống trái đất để tránh một cuộc đụng độ nào đó giữa các thế lực ngoài trái đất.

Về nguồn gốc của Kaguya Hime, một số nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc và Nhật Bản cho rằng Nhật đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa Tây Tạng từ xa xưa, và Kaguya Hime là truyền thuyết được những người Nhật cổ kể lại từ sau chuyến thám hiểm tới vùng đất này, vì nó giống hệt với một truyền thuyết đã có trước đó của Tây Tạng (chỉ có chi tiết về nguồn gốc cái tên núi Phú Sĩ là khác). Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng nguồn gốc truyền thuyết Kaguya Hime có liên quan tới câu chuyện về Nàng thiên nga (từ chi tiết chiếc áo lông chim Kaguya mặc về trời).

Tuy nhiên cái tên Kaguya Hime đóng mác Nhật đã nổi tiếng đến nỗi nếu bạn chỉ cần gõ từ khóa “Kaguya Hime” thì google có thể cho bạn số kết quả lên tới gần 90.000 địa chỉ. Có vô số dị bản của câu truyện này có thể được tìm thấy (cùng vô vàn hình ảnh minh họa) và Kaguya Hime của Reiko Shimizu cũng không phải là bộ truyện duy nhất xây dựng dựa trên truyền thuyết này. Một tác phẩm khác nữa là Anata ga Ireba – tác giả: Yoshimura Akemi – đã từng XB tại VN với tên “Những đứa trẻ tinh nghịch” cũng có cốt truyện xoay quanh truyền thuyết này. Ngoài ra, ở Nhật còn có nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình cũng như âm nhạc, anime và game lấy cảm hứng sáng tác từ truyền thuyếtKaguya Hime.