Kết bạn: Yuria-chan.
Hồi mới sang tôi may làm sao mà làm quen được với 2 bạn Nhật, đến giờ vẫn thân.
Đứa bạn Nhật đầu tiên tên là Okubo Yuria. Hôm đầu
tiên lên xe buýt đi chợ mua đồ ăn, tôi với thằng bạn ngơ ngác chẳng
biết xuống bến nào. Tôi ngồi im, căng tai ra nghe tiếng ông lái xe lều
phều từng bến để biết chỗ xuống. Đúng như vậy ấy, mấy ông lái xe buýt
toàn ông không già mà nói giọng già, gầm gừ trong cổ họng. Hình như đấy
là cách nói đồng phục của họ hay sao ấy. Thằng bạn thì không trông chờ
được gì rồi, tôi nghĩ. Tôi còn bập bẹ được cả câu, nó thì chỉ bập bẹ
được tối đa là 3 từ, mà muốn tạo ra câu đúng thì phải sắp xếp lại thứ
tự 3 từ đó, và cho thêm vào khoảng 10 từ nữa. Có vẻ như nó chỉ học từ
vựng mà quên học ngữ pháp hay sao ấy. Thế mà cu cậu vô tư quay sang hỏi
luôn cô gái bên cạnh. Tôi hết hồn.
Tôi nhát lắm. Bắt chuyện với những đối tượng an
toàn như ông già, bà già tôi còn ngại, mấy anh thanh niên ăn mặc như
tài tử thì rất sợ, nói chi đến mấy cô gái trẻ. Tôi thấy chạy 10km còn
dễ hơn bắt chuyện với 1 cô gái lạ – tuy cả 2 tôi đều không làm được.
Nhưng mà… nhìn kỹ lại cô gái này: Cao khoảng 1m55 và nặng khoảng
65kg, cô ta có một thân hình và khuôn mặt “phúc hậu” của mấy bà bán
hàng cơm bình dân gần Bách Khoa. Với đôi kính trắng lấp lánh, cộng với
mái tóc xoăn rối bời, đây đúng là hình ảnh tiêu biểu của một con mọt
sách ( còn gọi là otaku, hay là nerd – cho bạn dễ hiểu). Àh đối tượng
này khá an toàn, cô ta sẽ không cho tôi ăn tát hay mắng vào mặt tôi –
đấy là tôi nghĩ thế.
Hội trường phát biểu
poster – một giờ học của SV năm 4. Thời gian: Đến Nhật 17 tháng. (Yuria
chan là cô bé hàng trên thứ 3 từ phải vào)
Mà cô ta nói chuyện rất dễ chịu, tận tình giải
thích nếu bọn tôi không hiểu. Bọn tôi nói chuyện suốt chuyến xe, đến
lúc chia tay còn hẹn gặp lại khá lưu luyến. Sau này tôi biết, việc khó
khăn nhất khi làm quen với người lạ là việc bắt chuyện câu đầu tiên. Có
mấy anh thanh niên đầu tóc vàng khè dựng tua tủa, da đen rám nắng, quần
áo rách rưới ống thấp ống cao thế mà khi tôi hỏi đường thì tận tình chỉ
bảo, tôi không hiểu còn dắt tôi đến tận nơi tôi muốn đến. Người Nhật
hầu hết là người tốt.
Mấy hôm sau tôi đi học buổi đầu, tôi ngạc nhiên
khi thấy cô béo học cùng khóa cơ khí với tôi. Tôi hỏi tên, là Okubo
Yuria. Có mấy đứa Việt Nam cũng học cùng khóa, bọn tôi với cô béo chơi
khá thân với nhau, thường học chung nhóm, tụ tập ăn uống cùng. Cô béo
sau này có ít bạn Nhật, và thành chơi thân với nhóm lưu học sinh bọn
tôi. Và trong nhóm, Yuria-chan chơi thân nhất với tôi. Bọn bạn tôi được
thể trêu chọc gán ghép tôi với nó. Tôi rất bực nhưng không làm gì được
chúng nó! Có lần 2h sáng đang làm báo cáo thí nghiệm để đúng 9h sáng
nộp, mà cả nhóm bọn tôi chưa ai làm xong, (Từ lúc sang Nhật tôi làm
quen với những lần thức trắng đêm thế này), tôi gọi nó sang ký túc
phòng tôi để bàn bạc.
Hội trường phát biểu poster – một giờ học của SV năm 4. Thời gian: Đến Nhật 17 tháng.
Để khỏi “điều tiếng”, tôi đã phải mở toang cửa
phòng ký túc, lấy cái bình cứu hỏa chặn lại, mà bọn bạn ở cùng dãy cứ
diễu qua diễu lại nháy mắt cười cười, bỏ cái bình cứu hỏa ra để cửa
phòng đóng lại làm tôi phải ra chặn lại. Mà Yuria-chan nổi tiếng ở quy
mô khắp cả trường, với tư cách là
người-mà-bọn-con-trai-sợ-bị-gán-ghép-với-nhất. Bọn SV Nhật cũng
“chuối”, thỉnh thoảng lại trêu nhau “Okubo thích mày đấy” thể là tên
kia lại giãy nảy lên.
Tôi cũng hơi bực vì lời điều tiếng, nhưng bỏ ngoài tai. Thế là tôi với Yuria-chan giữ “tình bạn trong sáng” được 3 năm rồi.
Mãi sau này tôi đọc ở đâu đó, rằng thời điểm 1-2
tuần đầu khi bạn mới nhập trường là thời điểm vàng để kiếm bạn mới. Mọi
người đều đang ngơ ngác với môi trường mới, và vẫn chưa tạo thành các
nhóm nhỏ chơi riêng với nhau. Những người bạn tạo thành trong khoảng
thời gian này thường giữ được bền vững rất lâu. Cơ hội của bạn là đây,
nhìn khắp lớp nhé, và để ý có những anh chàng, cô nàng otaku – đặc điểm
nhận dạng là thường béo, đeo kính, ăn mặc xuềnh xoàng, thường ngồi một
mình không tụ tập nhóm với những người Nhật khác. Họ thường là người
tốt, nhưng không chơi được với người Nhật vì ngoại hình của họ. Hãy làm
quen ngay với họ, họ sẽ trở thành bạn thân của bạn đó.
Kết bạn:Toshi-chan.
Vào đầu học kỳ 2 tôi kết thân được với 1 người bạn nam, Saito Toshihiro.
Lần đầu tiên gặp nhau là trong giờ thực hành cơ
khí. Tôi chọn khóa học chế tạo robot, giống như robocon mà Việt Nam ta
rất mạnh đó (Tuy nhiên robot của bọn tôi làm đơn giản thôi, không phức
tạp thế đâu). Buổi đầu tiên chia nhóm, đang ngồi ngển cổ lên nghe bài
dài thích dài lê thê của ông thầy, tôi lơ đãng nhìn quanh quất xung
quanh. Bên trái tôi, một thanh niên ria mép tua tủa, ăn mặc hip hop với
cái quần có đũng ở chỗ đầu gối của anh ta. Bên phải, một thanh niên
nhìn mặt cũng khá tử tế, nhưng khi nhìn xuống dưới tôi suýt phì cười
khi thấy cái quần của anh ta. Thường người ta quên kéo khóa quần, đã là
một cái tội rất lớn. Nhưng anh ta, ngoài chuyện không kéo khóa quần còn
quên luôn cả… đóng cúc quần dài. Cái quần bung ra, làm lộ cả quần đùi
bên trong, nhìn cứ như chực tuột xuống tới nơi (xem ảnh).
Sau này tôi biết đó là thiết kế, cái quần dài được
may liền với quần đùi rồi, nó không bao giờ tụt đâu. Nghe thầy nói đến
đoạn “Mỗi người phải tìm ra việc để làm trong nhóm”, chợt tôi phát hiện
ra trước cái ghế mình đang ngồi là một cái máy tính đời cổ, không bật.
Tính tôi hay đùa, nghĩ ngay ra trò đùa là tôi phải làm ngay. Tôi quay
sang anh chàng quần tụt, bảo: “Việc của tôi là sử dụng cái màn hình vào
cái cục CPU này, cho cậu sử dụng cái bàn phím nhé.” J Rất may, anh ta
cũng là người thích đùa, hiểu ngay ý tôi, còn đùa thêm: Làm điệu bộ vừa
đánh máy vừa nhìn lên trần nhà, anh ta gọi anh chàng hip hop bên trái
tôi: “ Hayato, cho cậu sử dụng cái con chuột này, có việc làm rồi nhé”.
Ba chúng tôi lăn ra cười, tự nhiên không khí mềm hẳn. Thế đấy, hài hước
thì dân tộc nào cũng chấp nhận! Đến cuối buổi học đó, ba bọn tôi tự xin
lập thành một nhóm: Saito Toshihiro – “Toshi-chan”, Saito Hayato –
“Hayato” và LE TRUNG DUNG – “Zun-kun”. Thế là cả nửa năm học, mỗi tuần
cứ thứ Năm tôi lại làm việc chung nhóm với Toshi-chan.
Tôi lúc đầu đăng ký vào khóa Robocon vì thấy có vẻ
vui vui, vào rồi mới thấy mình chả làm được gì cả. Hayato thì lười,
suốt ngày ngồi nói chuyện với nhóm bên cạnh. Một mình Toshi-chan quán
xuyến hầu hết mọi việc: Từ vẽ bản thiết kế robot, đến chỉ đạo “thi
công” phần cứng của robot, và lập trình điều khiển. Nhưng cậu ta tâm
lý, biết bọn tôi không có việc gì làm sẽ buồn, nên giao cho tôi mấy
công việc đơn giản. Trong quá trình thực hiện mấy công việc “đơn giản”
đó, tôi đã kịp để lại mấy cái lỗ khoan “lỡ tay” trên cái bàn sắt của
máy khoan, làm gẫy vài ba cái mũi khoan, vất đi mấy tấm nhôm vật liệu,
và một vài “vết thương rỉ máu” trên tay. Ở Việt Nam tôi đã dùng máy
khoan bao giờ đâu.
Toshi-chan tốt đến không thể tưởng tượng được.
Ngoài làm hết việc phần 3 người của nhóm robot, cậu ta còn tận tình chỉ
bảo tôi cách viết báo cáo thí nghiệm, báo cáo giữa kỳ các môn. Cậu ta
không bao giờ từ chối giúp đỡ tôi điều gì. Tôi hỏi đề bài báo cáo, cậu
ta chỉ. Tôi không viết được – cậu ta cho chép. Mặc dù cho copy bài là
điều mà sinh viên Nhật thường không làm, một phần vì hình phạt cho sự
gian trá rất nặng: Từ cả hai đứa đều điểm 0 đến cả hai đình chỉ học 1
năm. Toshi-chan cho tôi chép bài, nhưng tôi ngại, dựa trên ý mà viết
lại thành bài khác khác, hoặc nếu không hiểu thì thôi không nộp báo cáo
nữa, bỏ luôn không lấy môn đó. Tôi đến phòng cậu ta nói chuyện nhiều,
nhiều lần còn tham gia NOMI-KAI ở đó nữa. Nomi-kai tiếng Nhật là “cuộc
họp uống rượu”, một số người tụ tập lại uống OSAKE (từ chỉ đồ uống có
cồn nói chung) – thường là NIHONSHU (rượu Nhật Bản, cái mà người ngoài
nước Nhật gọi là osake), SOCHU (rượu truyền thống của Hàn Quốc), bia,
chuhi… Ở các nomi-kai tôi gặp nhiều bạn của Toshi-chan, mặc dù sau
này chả chơi với ai trong đó cả. Công nhận Toshi-chan có rất nhiều bạn,
tất cả bọn họ đều quý Toshi-chan vì Toshi-chan luôn đối xử hết lòng với
mọi người. Sau này thành rất thân với Toshi-chan rồi, cậu ta có lần bảo
tôi, có người cậu ta rất ghét nhưng vẫn đối xử tử tế, vì cậu không muốn
làm phật lòng bất kỳ một ai cả. Tôi nghĩ, đây là hình ảnh điển hình cho
kiểu tốt của người Nhật đây.
Giờ học thực hành làm robot của năm thứ 3. Thời gian; Đến Nhật 15 tháng. (Minh họa cho đoạn mô tả cách ăn mặc của Toshi-chan)
Khi ngồi viết bài này, tôi đã suy nghĩ tại sao tôi
lại chơi thân với Toshi-chan. Có lẽ, do cậu ta yêu tất cả – TẤT CẢ –
mọi người xung quanh, một cách thật lòng. Nghĩ lại, ở những lớp tôi đã
học qua, đều có ít nhất là một người như vậy. Nếu bạn mới tới Nhật và
muốn tìm kiếm những người bạn Nhật thân, hãy tìm những người như vậy:
Họ chơi với rất nhiều người, từ những anh chàng cô nàng nhìn như “quý
tộc”, đến dạng “chơi bời đầu gấu” và cả mọt sách otaku nữa. Và họ được
tất cả mọi người yêu quý. Hãy tìm cách làm thân với họ: Ngồi cạnh và
hỏi từ kanji này đọc là gì, hỏi nội dung bài giảng nếu bạn không hiểu
(thường xuyên không hiểu), xin vào cùng nhóm với họ ở những môn học
được tự do lập nhóm… Họ sẽ thân với bạn, vì bản năng của họ thích
giúp đỡ người khác, và những lưu học sinh, những người khổ sở vì ngôn
ngữ và sự khác biệt trong cách học, chính là những người đáng thương
nhất trong lớp học đó.
Tóm lại: Lời khuyên của tôi cho những bạn sắp sang
Nhật du học, hoặc đang học ở Nhật: Hãy để ý tới những sinh viên Nhật có
rất ít bạn và rất nhiều bạn trong lớp.
Theo kenh14.vn