Vài nét về văn hóa Nhật Bản

Học tiếng Nhật thì cũng nên tìm
hiểu 1 chút về Văn Hóa Nhật Bản chứ, đúng không nào? Nhật Bản là quốc gia có
nền văn hóa đáng nể trên thế giới, có nhiều điều mà đến nay, giá trị của nó vẫn
còn được lưu giữ, được tôn vinh. Ví như nghệ thuật trà đạo chẳng hạn. Tuy rằng
sự thưởng trà bắt nguồn từ Anh, morning tea, nhưng nó phát triển nhất có thể
nói là ở Nhật Bản, Trà Trung Quốc thì lại khác. Do đó, tìm
hiểu một chút về văn hóa Nhật Bản sẽ làm ta biết nhiều hơn về cuộc sống quanh
mình.
Những bài viết dưới đây, có thể do SB tự viết, có thể lấy nguồn từ 1 số báo,
lấy nguồn ở đâu sẽ có đề nguồn ở đó, vì thế, nếu như ai muốn đem những điều này
đi đâu đó, nhớ, đề ra nguồn.
Hi vọng rằng, qua những gì SB tìm hiểu được về đất nước Nhật Bản, mọi người sẽ
yêu quý đất nước này hơn, không phải chỉ biết đến nó như là một đất nước của
manga, anime…
1. Nguồn gốc dân tộc.
Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Ký (Kojiki) viết vào đầu thế kỷ thứ 8,
thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở
trên Cánh Ðồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai
vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ
làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều
là chiếc cầu nối trời và đất, quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro
và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây
nhà trên quê hương mới.
Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với
nhau sinh "con" đầy đàn là những đảo khác tạo thành quần đảo Nhật Bản
ngày nay. Rồi Izanagi sinh ra thần Mặt Trời (Amaterasu) là nữ thần nhan sắc và
ánh sáng (tượng trưng cho phụ nữ Nhật) từ mắt trái, thần Mặt Trăng (Tsukiyomi)
từ mắt phải và thần Bão (Susanoo) từ mũi của mình.
Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, chinh
phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái xinh đẹp của thần Oyamatsumi sinh ra
hai con trai là Hoderi và Hoori. Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama
sinh được một con trai. Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn
hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato. Sau khi các anh chết, hoàng tử út lên ngôi
xưng là Thiên Hoàng Jinmu, đó là vị vua đầu tiên trong 125 đời vua của dòng họ
Nhật Hoàng trị vì cho tới ngày nay.
Hiện vẫn chưa có cơ sở khoa học chắc chắn về xuất xứ và thời gian xuất hiện
những cư dân đầu tiên trên quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết các học giả
đều cho rằng họ đã có mặt tại quần đảo từ xa xưa và định cư liên tục từ đó cho
đến thời nay. Những phát hiện trong nghiên cứu cổ vật, xương… đã củng cố thêm
sự nghi ngờ đối với thuyết trước kia cho rằng người Nhật là con cháu của những
người xâm chiếm đến sau “thổ dân” Ainu và đã đẩy bộ tộc này ra khỏi quần đảo.
Ngày nay, người ta tin rằng tổ tiên của người Nhật là những người đã làm nên đồ
gốm mang tên Jomon. Những người này được biết là đã có mặt trên quần đảo ít
nhất từ năm 5000 TCN, sau đó theo thời gian, pha trộn với các giống người khác,
phát triển qua lịch sử thành dân tộc Nhật Bản ngày nay.
Ngôn ngữ và phong tục của người Nhật gồm những thành tố văn hoá của cả phương
Bắc lẫn phương Nam. Dưới góc độ sử dụng và cú pháp, rõ ràng tiếng Nhật thuộc hệ
thống ngôn ngữ Antai của các dân tộc phía Bắc lục địa châu Á, song trong từ
vựng lại có nhiều từ gốc từ phía Nam. Trong các tập quán và tín ngưỡng, ta thấy
các lễ nghi gắn với văn hoá trồng lúa nước vốn có nguồn gốc ở phía Nam; còn
huyền thoại lập nước bởi vị thần – ông tổ của nòi giống – từ thiên đường xuống
hạ giới thì có nguồn gốc ở phía Bắc. Vì vậy, người ta cho rằng dân cư ở đây có
xuất xứ từ cả phương Bắc lẫn phương Nam đến quần đảo Nhật Bản từ thời tiền sử
và qua một quá trình hoà trộn các chủng tộc dần dần tạo ra dân tộc Nhật Bản.
Những năm gần đây, các cuộc khai quật di tích khảo cổ ở nhiều khu vực khác nhau
trên khắp đất nước cho thấy khả năng tồn tại của một nền văn hoá tiền đồ đất
nung ở Nhật Bản trước văn hoá Jomon, có thể là thời đại đồ đá cũ.
Khảo sát các di chỉ thời kì đồ đá mới cho thấy văn hoá Jomon tồn tại từ khoảng
năm 5000 TCN đến năm 200 TCN vốn là thời kì du mục săn bắt và hái lượm, sau đó
là văn hoá Yayoi tồn tại từ khoảng năm 200 TCN đến năm 200, có thể đã được khởi
đầu bằng một đợt di cư của cư dân từ lục địa đến và họ mang theo nền văn hoá
định cư và trồng trọt. Vào khoảng cuối thế kỷ III đến cuối thế kỷ VI, nổi lên
nền văn hoá được gọi là văn hoá Kofun (mộ cổ) do có đặc tính xây lăng bằng đất
đồ sộ cho những người có vai vế trong các bộ lạc.
Từ cuối thời văn hoá Yayoi đến thời văn hoá Kofun là thời kì thực sự hình thành
đất nước Nhật Bản. Văn bản ghi chép của Trung Quốc thời đó giúp ta có thêm
thông tin về thời kì này, chẳng hạn, phần nói về nhà nước Yamatai và nữ hoàng
Himiko có trong tư liệu "Về dân tộc Hoà" trong "Lịch sử thời nhà
Vệ" của Trung Quốc.
2. Hoàng Tộc
Dòng dõi hoàng tộc của Nhật Bản, khởi nguồn từ huyền thoại một vị thần được coi
là ông tổ của hoàng tộc từ thiên đường xuống hạ giới, đã có sự nối dõi liên tục
chưa hề đứt quãng trong lịch sử kể từ đời các hoàng đế xa xưa.
Qua một quá trình dài, đã xảy ra những tranh chấp trong gia đình hoàng tộc về
quyền nối ngôi dẫn đến ám sát, lưu đày, giam cầm hoặc thậm chí Nhật hoàng phải
tự sát song ngai vàng vẫn luôn nằm trong tay một thành viên của hoàng tộc.
Ngoài ra, trải qua những thăng trầm của các hoàng đế và các triều đại, hoàng
tộc vẫn được người dân ủng hộ do sự tôn kính và tin tưởng đối với vua. Điều đó
vẫn tồn tại cả khi “chính quyền Mạc Phủ” ra đời. Cha truyền con nối làm cho
quyền lực của Nhật hoàng chỉ là danh nghĩa, và thậm chí ngay cả khi các Nhật
hoàng phạm sai lầm về chính trị nhưng vẫn nắm giữ ngai vàng. Những cuộc lật đổ
hoặc âm mưu phá vỡ hệ thống ngôi vua đều bị kết thúc thất bại.
Các học giả Nhật Bản cho rằng điều cha truyền con nối của dòng dõi hoàng tộc ở
Nhật Bản dài lâu hơn bất cứ nước nào trên thế giới là do các Nhật hoàng đều anh
minh, cai trị dân một cách hiền hoà, không dùng bạo lực, điều mà ta ít thấy ở
những hoàng đế của một số nước khác. Tuy nhiên, có một nhân tố khác là, trong
khoảng 1500 năm kể từ khi lập nên hệ thống truyền nối ngôi vua, chỉ có một thời
gian ngắn Nhật hoàng trực tiếp điều khiển chính sự. Họ thực hiện quyền lực lớn
nhất trong khoảng 2 thế kỷ thuộc thời Asuka (593-708) – thời kì Cải cách Taika
và sự ra đời bộ luật Ritsuryo, kéo dài từ thời Nhật hoàng Temmu và hoàng hậu Joto,
qua thời Nara cho đến đầu thời Heian vào đầu thế kỷ IX.
Trong khoảng hơn 1000 năm sau đó, chính quyền nằm trong tay các nhiếp chính
hoặc về sau, thời shogun (tướng quân), thuộc “chính quyền Mạc Phủ” mà Minamoto-no-Yoritomo
là người thiết lập nên. Trong suốt thời gian đó, hoạt động của các Nhật hoàng
và triều đình tại Kyoto đều giới hạn ở những vấn đề có tính chất văn hoá hơn là
chính trị. Ngoài ra, triều đình cũng buộc phải thoả hiệp trước yêu cầu của các
dòng họ có thế lực và chế độ shogun. Mặc dù một vài Nhật hoàng trong thời kì đó
cố khôi phục quyền lực chính trị, nhưng họ hoàn toàn thất bại hoặc chỉ thành
công ngắn ngủi. Phải tới thời Minh Trị, mô hình Nhật hoàng trực tiếp điều hành
mới thay thế cho chế độ phong kiến của “chính quyền Mạc Phủ” đã kéo dài quá
lâu. Nhật hoàng Minh Trị cai trị từ 1868 đến 1912 thực tế đã tham gia tích cực
vào việc thảo luận chính sách với những người lãnh đạo nhà nước vỗn là những
người đã đem lại cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Tuy nhiên, những người kế vị
ông đã kém tích cực hơn. Với việc gia tăng sức mạnh chính trị của lực lượng
lãnh đạo nhà nước nhưng vẫn tư tưởng cũ, và sau đó, trong những năm 1920 và
1930, quyền lực rơi vào tay phái quân sự, không những Nhật hoàng mà cả các đảng
phái chính trị mới thành lập và nghị viện một lần nữa lại ngày càng bị yếu thế.
Hầu hết người dân Nhật Bản cho đến thời điểm đó vẫn trung thành và tôn kính
Nhật hoàng. Thậm chí sau chiến tranh, Nhật hoàng vẫn giữ ngôi vua như là một
biểu tượng quốc gia, trên thực tế, là một vị trí tương tự như vị trí của các
Nhật hoàng nối ngôi từ thế kỷ X về sau.
Một yếu tố khác giúp cho việc giữ gìn dòng dõi hoàng tộc là vị trí và đặc điểm
của lãnh thổ Nhật Bản. Là một đảo quốc rất ít tiếp xúc và tranh chấp với các
dân tộc khác, Nhật Bản không chịu áp lực nào từ bên ngoài đe doạ hệ thống cai
trị. Nhật hoàng cũng không cần giữ vai trò chỉ huy quân đội để tượng trưng cho
sự thống nhất dân tộc trước các dân tộc khác. Vì nhiều lí do, dòng dõi hoàng
tộc đã tồn tại trong suốt nhiều thời kì.
Nguồn: http://vysa.jp