Cũng
như tiếng Việt, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ của Đông Á, vì
vậy chịu nhiều ảnh hưởng của cường quốc văn hóa khu vực này là Trung
Quốc. Trong tiếng Nhật có nhiều từ vựng mượn của Trung Quốc, và chữ Hán
được coi là một phần của tiếng Nhật hiện nay. Chỉ cần giở một tờ báo
hàng ngày, có thể thấy rất nhiều chữ Hán. Ví dụ, “kokkai” là “quốc
hội”, “keizai” là “kinh tế”, “gaikoku” là ngoại quốc, v,v… Đại khái,
chữ Hán chiếm khoảng 50-60% số chữ trên bài báo.
Ngoài chữ Hán, trong tiếng Nhật có 2 loại chữ khác là hiragana và
katakana. 2 loại chữ kana này đều là chữ phiên âm do người Nhật phát
minh ra. Ngày xưa, người Nhật không có chữ viết riêng nên ban đầu mượn
âm chữ Hán để ghi chép câu nói của mình và soạn thảo văn bản. Sau đó,
trong thời Heian (794-1185), người Nhật dựa trên chữ Hán tạo thành 2
loại chữ kana để ghi chép câu nói. Đó chính là hiragana và katakana.
Hiragana vốn là chữ Hán viết giản lược còn katakana là một phần của chữ
Hán tạo thành. Katakana dùng để phiên âm các chữ có nguồn gốc nước
ngoài. Có thể nói, những chữ viết của tiếng Nhật đều xuất phát từ chữ
Hán.
Chữ Hán trong tiếng Nhật có rất nhiều cách đọc khác nhau, thậm chí 1
chữ có tới 5 cách đọc hoặc hơn. Tại sao lại phức tạp như vậy? Trong
tiếng Nhật có 2 loại cách đọc chữ Hán là “Kun-yomi”, tức cách đọc theo
âm Nhật Bản, và “On-yomi” là cách đọc theo âm Hán. Cũng như tiếng Việt,
trong tiếng Nhật có từ vựng thuần Nhật mà từ xưa người ta sử dụng trong
cuộc sống. Ví dụ, quan hệ giữa từ “sinh” và “sống” trong tiếng Việt: 2
từ này có cùng nghĩa nhưng “sinh” là từ mượn từ tiếng Trung Quốc,
“sống” là từ thuần Việt. Trong trường hợp tiếng Nhật, từ “sống” thuần
Nhật là “ikiru”, nên người ta sử dụng từ “sinh” trong chữ Hán và chữ
phiên âm kana để viết “ikiru”. Như vậy, chữ “sinh” đã có cách đọc “i”.
Đây là Kun-yomi. Chữ “sinh” cũng có nghĩa là phát sinh ra và nói bằng
từ thuần Nhật là “umu”. Để viết từ vựng này, người ta dùng chữ “sinh”
của chữ Hán và chữ “mu” của kana. Khi đó, chữ “sinh” lại được đọc là
“u”. Chính vì thế, một chữ có nhiều cách đọc Kun-yomi.
Bên cạnh đó, người Nhật sử dụng các từ vựng của Trung Quốc để làm cho
tiếng Nhật phong phú hơn, như “gakusei” (học sinh), “seikatsu” (sinh
hoạt). Cách đọc của những từ mượn như trên là On-yomi. On-yomi của 1
chữ cũng có nhiều cách đọc. Ví dụ, chữ “hành” có cách đọc On-yomi là
“ko”, “gyo”, “an”. Điều này liên quan đến lịch sử giao lưu văn hóa giữa
Nhật Bản và Trung Quốc. Nói cách khác, các cách đọc On-yomi phản ánh
cách đọc tiếng Trung Quốc của từng thời đại và địa điểm giao lưu giữa 2
nước. Trong On-yomi có 4 nhóm là Ngô âm, Hán âm, Đường âm và Tống âm.
Ngô âm là cách đọc theo âm Hán của vùng nước Ngô cổ đại, tức vùng hạ
lưu sông Trường Giang. Hán âm là cách đọc theo người thủ đô Trường An
trong thời đại nhà Đường. Vào thời Đường, tức thời đại Nara và Heian
của Nhật Bản, nhiều nhà sư, lưu học sinh của Nhật sang Trường An để học
hỏi văn hóa tiên tiến của Trung Quốc. Và cùng với nhiều cuốn sách, cách
đọc chữ Hán của thời kỳ này được đưa vào NB. Cách đọc Hán âm cũng được
gọi là “Chính âm”. Đường âm là những cách đọc được đưa vào Nhật từ các
thời đại nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, còn Tống âm là
những cách đọc do các nhà sư trong thời đại Kamakura (thế kỷ 12-14) của
Nhật Bản đưa về cùng với các quyển kinh Phật giáo. Đối với chữ “hành”,
đọc theo Ngô âm là “gyo”, Hán âm là “ko”, Đường âm là “an”.
Nguồn gốc của chữ Nhật Bản khá rõ vì chữ Nhật Bản được phát minh ra
sau khi đã có ghi chép lịch sử. Nhưng “tiếng Nhật nói” đã có từ thời
tiền sử nên tìm ra nguồn gốc khó hơn. Có 2 vấn đề được nêu lên: (1) Các
từ vựng tiếng Nhật được phát minh ra như thế nào và từ đâu đến? (2) Ngữ
pháp của tiếng Nhật hoàn toàn khác tiếng Trung Quốc, vậy tiếng Nhật
thuộc hệ nào trong các thứ tiếng trên thế giới?
Trước khi đi sâu về nguồn gốc tiếng Nhật, xin giới thiệu sơ lược về những đặc trưng ngôn ngữ học của tiếng Nhật.
Cấu tạo của câu tiếng Nhật cơ bản là [Chủ ngữ] + [Bổ ngữ chỉ mục đích]
+ [Vị ngữ]. Ví dụ: “Tôi học tiếng Nhật”, thứ tự trong câu tiếng Nhật sẽ
là “Tôi” + “tiếng Nhật” + “học”
Song, cấu tạo cơ bản của câu tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh là
[Chủ ngữ] + [Vị ngữ] + [Bổ ngữ]. Nhìn qua các ngôn ngữ trên thế giới về
cách xếp thứ tự các bộ phận trong câu, những thứ tiếng có cấu trúc
giống tiếng Nhật là tiếng Triều Tiên, tiếng của dân tộc thiểu số NB là
Ainu, tiếng Mông Cổ, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Hinđi của Ấn Độ, tiếng
Miến Điện, v,v… Một đặc trưng khác là trong tiếng Nhật có trợ từ như
“ni”, “o”, v,v… để biểu hiện quan hệ giữa 2 từ vựng trong 1 câu. Đặc
trưng thứ 3 là định ngữ được đặt trước danh từ: chẳng hạn trong “shiroi
hana”, “shiroi” là tính từ có nghĩa là “trắng”, bổ nghĩa cho danh từ
“hana” là “hoa”. Tiếng Việt thì ngược lại, nói là “bông hoa trắng”.
Những đặc điểm về mặt âm vị như sau:
1/ không có từ vựng thuần Nhật bắt đầu với âm “r”.
2/ không có từ vựng thuần Nhật bắt đầu với âm “b, p, g, z, d”.
3/ không có từ vựng với 2, 3 phụ âm liên tục, ví dụ như từ “frankly” hay “strike” của tiếng Anh.
4/ không phân biệt “l” và “r”.
5/ không phân biệt “th” và “t”, “kh” và “k”.
6/ hầu hết từ vựng kết thúc với nguyên âm.
Trong thời Edo đã có một số học giả đề cập tới những đặc trưng kể trên
của tiếng Nhật, nhưng khi đó chưa đạt nhiều thành quả quan trọng. Sau
khi ngành ngôn ngữ học của phương Tây được đưa vào Nhật Bản, các nhà
nghiên cứu áp dụng môn học này vào việc phân tích những đặc trưng của
tiếng Nhật, để tìm hiểu xem tiếng Nhật thuộc hệ nào trong số các hệ
thống ngôn ngữ trên thế giới.
Cần phải nói, về vấn đề này chưa có kết luận thống nhất trong ngành
nghiên cứu tiếng Nhật. Có nhiều học thuyết về nguồn gốc tiếng Nhật
nhưng hai học thuyết được nhiều người quan tâm nhất là:
(1) Tiếng Nhật thuộc nhóm thứ tiếng Ural-Altai, cùng với tiếng Triều Tiên, tiếng Mông Cổ, tiếng Ainu.
(2) Tiếng Nhật chịu ảnh hưởng của các thứ tiếng miền nam nhiều hơn, là
các thứ tiếng thuộc nhóm Autronesia như tiếng Malaysia, Indonesia,
Philippines hoặc nhóm thứ tiếng Miến Điện-Tây Tạng.
Học thuyết (1) coi trọng điểm chung về ngữ pháp. Các thứ tiếng thuộc
nhóm Ural-Altai có ngữ pháp giống tiếng Nhật. Chẳng hạn, bổ ngữ chỉ mục
đích đặt trước vị ngữ, định ngữ đặt trước danh từ v,v… Học thuyết này –
do những học giả ngôn ngữ học nổi tiếng của Nhật như ông Shinmura
Izuru, ông Kinda-ichi Kyosuke đề ra và ủng hộ – phổ biến rộng rãi trong
thời kỳ ban đầu của ngành nghiên cứu nguồn gốc tiếng Nhật.
Đối với học thuyết (2), ông Izui Hisanosuke là người đầu tiên đề cập
tới quan hệ giữa tiếng Nhật và các thứ tiếng của phía nam Nhật Bản như
tiếng Malaysia. Là học trò của ông Shinmura, ông Izui ủng hộ học thuyết
(1), nhưng ông nghĩ tiếng Nhật cũng chịu ảnh hưởng với mức độ nào đó
của các thứ tiếng miền nam. Sau đó, những học giả như Murayama
Shichiro, Matsumoto Nobuhiro đã ủng hộ và phát triển học thuyết này.
Học thuyết (2) dựa trên cấu tạo của từ vựng trong tiếng Nhật. Những học
giả theo dõi học thuyết này nói rằng cấu tạo đa âm tiết và kiểu phát âm
của tiếng Nhật giống với các thứ tiếng thuộc nhóm Austronesia hoặc nhóm
thứ tiếng Miến Điện-Tây Tạng, đồng thời có nhiều từ vựng trong tiếng
Nhật “đồng nghĩa giống âm” với từ vựng của các thứ tiếng đó. Học thuyết
(2) coi trọng vai trò của các thứ tiếng miền nam hơn nhưng không hoàn
toàn phủ định ảnh hưởng của các thứ tiếng nhóm Altai, vì ngữ pháp của
các thứ tiếng như Malaysia, Philippines khác với tiếng Nhật về nhiều
điểm. Sau thế chiến thứ 2, học thuyết (2) bắt đầu được phổ biến để bổ
sung khuyết điểm của học thuyết (1). Vì vậy, 2 học thuyết kể trên không
mâu thuẫn với nhau. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tiếng Nhật
chịu ảnh hưởng của cả nhóm thứ tiếng Altai và nhóm thứ tiếng
Austronesia.
Tóm lại, tuy không phải là kết luận cuối cùng nhưng người ta cho rằng,
khoảng 5.000-10.000 năm trước, tại vùng đông bắc lục địa Châu Á đã hình
thành một thứ tiếng tổ tiên của tiếng Nhật, liên quan đến nhóm tiếng
Altai và ngữ pháp tiếng Nhật hiện nay. Sau đó, thứ tiếng này bắt đầu
được chia thành 3 thứ tiếng khác là tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên và
tiếng Ainu. Và khoảng 3.000-4.000 năm trước, các từ vựng cơ bản được
đưa sang Nhật Bản từ các thứ tiếng miền nam như Indonesia, Khơme, v.v…
Cách đây khoảng 2.000-2.500 năm, các từ vựng như số từ và từ chỉ các bộ
phận của cơ thể con người, thực vật được đưa sang Nhật Bản từ khu vực
miền nam Trung Quốc. Rồi sau công nguyên, các từ vựng chữ Hán được đưa
từ Trung Quốc vào Nhật Bản.
Một đặc điểm trong tiếng Nhật không thể không đề cập đến, là có rất
nhiều từ mượn. Từ mượn của Trung Quốc được sử dụng thường xuyên trong
cuộc sống, số lượng quá nhiều và lại được viết bằng chữ Hán, nên gần
như không cảm thấy rằng chúng có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài. Ngày
nay chính người Nhật cũng gần như không thể nhận ra những từ mượn nước
ngoài đầu tiên (nhiều từ là của tiếng Sanskrit, Ainu hoặc Triều Tiên)
vì hầu hết được viết bằng chữ Hán chứ không phải bằng hệ katakana.
Nhiều từ du nhập từ lâu trong lịch sử Nhật Bản và thường là những từ
liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Nhiều từ được mượn từ
tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan từ thế kỷ 16-17.
Cuối thời kỳ Edo (1603-1868), các từ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga
bắt đầu xuất hiện. Hiện nay, so với các từ du nhập vào Nhật Bản sau
này, số từ mượn của tiếng Anh nhiều hơn tất cả các thứ tiếng khác, cả
các từ khoa học lẫn từ thường dùng trong cuộc sống. Ngoài ra còn có các
từ mượn tiếng Đức và tiếng Italia.
Số lượng chữ Hán hiện sử dụng ở Nhật Bản được giới hạn chỉ còn một phần trăm rất nhỏ trong số khoảng 40.000 đến 50.000 chữ Hán mà chúng ta thấy trong các cuốn từ điển đồ sộ. Năm 1946, bộ giáo dục Nhật hạn chế số lượng chữ Hán dùng trong các văn bản chính thức là 1.850 chữ. Năm 1981, số lượng Hán tự thường dụng được quy định là 1.945 chữ./.